Nguồn dẫn:Tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc ở Hà Nội - Tô Thế - Thứ tư, 23/10/2024 19:59 (GMT+7)
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội vừa phát hiện, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan phát hiện, tạm giữ lượng lớn sản phẩm yến chưng không rõ nguồn gốc.
Theo đó, ngày 21.10.2024, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh do bà D.T.L đứng tên, tại Lô C53-04 (Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông).
Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hơn 93.000 hũ yến chưng dán nhiều nhãn mác khác nhau. Trong đó có 18.165 hũ yến chưng dán tem nhãn yến chưng Minh Gia Bảo, 5.670 hũ yến chưng dán tem yến chưng Trí Việt, 69.510 hũ yến chưng chưa dán tem nhãn và hơn 5kg nhãn mác Công ty TNHH Yến Trí Việt.
Thời điểm kiểm tra, bà D.T.L không cung cấp được bất kỳ tài liệu nào để chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này.
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ số hàng hóa trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc số hàng hóa bị tạm giữ, tiến hành lấy mẫu các sản phẩm này để xét nghiệm và đánh giá mức độ an toàn đối với người sử dụng.
Lực lượng Quản lý thị trường đánh giá, tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Điều này không chỉ gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm trong nước.
Sự việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.
Việc bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là yêu cầu bức thiết để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Người dân cần lựa chọn mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng tại những điểm kinh doanh được cấp phép, đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; mỗi người dân phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, tránh mua phải những thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Nhằm ổn định thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thời gian tới, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội tiếp tục chủ động, phối hợp tốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…