Nguồn dẫn: https://thanhuytphcm.vn/tin-tuc/ung-dung-cong-nghe-trong-chong-hang-gia-va-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-1491930205?gidzl=SJR6GqR-q01mAyHDHE7L1tCinajQizi0QtcS60sqsWO-BSPENEBRLM8icqvIvOi5Ool87687-oLwGlpI20
Ứng dụng công nghệ trong chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Ngày 12-11-2024
Quang cảnh hội thảo
(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 12/11, tại TPHCM, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TPHCM phối hợp Công ty Cổ phần Phát triển khoa học Công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền SHTT”, nhằm hưởng ứng Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11) và Ngày chuyển đổi số quốc gia.
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về vai trò của chuyển đổi số trong việc phát hiện, ngăn chận và xử lý hàng giả. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tìm ra các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, bảo vệ thương hiệu, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng Cục Quản lý thị trường) cho rằng, bên cạnh sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam thì tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...
Để tạo được chuyển biến căn bản hơn, hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Đề án 319, ông Trần Văn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, các chủ thể tham gia TMĐT, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: Xác định công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng hợp của xã hội vào công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số kết hợp với công nghệ, giải pháp chống hàng giả, truy xuất nguồn gốc hiện đại trong công tác giám sát và phát hiện vi phạm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử, nhất là việc chấp hành pháp luật, không kinh doanh, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam đã chia sẻ các giải pháp phòng chống xâm phạm quyền SHTT và hàng giả bằng công nghệ Enterprise Blockchain. Cụ thể, tính ưu việt của công nghệ blockchain được thể hiện chi tiết khi ứng dụng vào lĩnh vực SHTT và bảo vệ quyền tác giả một cách an toàn, dễ dàng và tiện ích như: Xác lập quyền tác giả; khai thác, thực hiện quyền tác giả; bảo vệ, chống lại các hành vi xâm phạm tác phẩm.
Theo ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Vina CHG, chuyên gia trong lĩnh vực chống hàng giả đề xuất giải pháp cần đăng ký bảo hộ quyền SHTT nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng việc tích hợp QR code truy xuất nguồn gốc với công nghệ chống giả và các công nghệ chống giả trên bao bì. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc cảnh báo hàng giả trên các phương tiện thông tin để giúp người tiêu dung dễ dàng nhận diện, phân biệt và mua đúng sản phẩm thật. Doanh nghiệp nên công bố số hotline để tiếp nhận nhanh các phản ánh của người tiêu dùng về hàng giả.
Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng miền Nam Cục SHTT, đưa ra giải pháp tăng cường hiệu quả bảo vệ, thực thi quyền SHTT trong môi trường số. Cụ thể, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật; nâng cao năng lực các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và công chúng; ứng dụng công nghệ số vào hoạt động SHTT; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian; tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền, bảo vệ quyền bằng công nghệ (chủ thể quyền)
Về phía doanh nghiệp, cần tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để bảo hộ các tài sản trí tuệ; Tự bảo vệ mình bằng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép, nhất là các biện pháp quản trị thông minh, chuyển đổi số, công nghệ 4.0; Chủ động yêu cầu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi xâm phạm, nhất là trong thương mại điện tử…
Tại hội thảo, Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Công ty Vina CHG đã ký kết về “Chương trình hợp tác trong phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Đây là bước tiến chiến lược, hướng tới hợp tác bền vững trong bảo vệ ngành yến sào Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt, hội thảo có khu vực trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm thật và hướng dẫn nhận biết hàng giả, hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về việc phân biệt sản phẩm chính hãng và hàng giả, hàng nhái.
M.Hiệp