Các hoạt động tiêu biểu

Để đánh dấu sự trở lại trong năm 2022 sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng trong cùng ngày, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã tổ chức Chương trình tọa đàm trực tuyến Thực trạng vùng miền chim yến – Những vấn đề đặt ra cho triển vọng phát triển. Hiệp hội mong muốn chia sẻ nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn cho những người đầu tư dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên khắp đất nước Việt Nam.

Chương trình tọa đàm tuyến Thực trạng vùng miền chim yến – Những vấn đề đặt ra cho triển vọng phát triển đem đến cho những người đầu tư dẫn dụ và gây nuôi chim yến có được bức tranh tổng thể về tình hình phát triển nhà yến hiện nay tại các vùng miền của Việt Nam để có thể đầu tư dẫn dụ một cách đúng đắn. Đồng thời, qua buổi tọa đàm các diễn giả chia sẻ các giải pháp kỹ thuật và kinh nghiệm để người nuôi chim yến có thể đưa vào thực tế.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn gỉa và báo cáo viên tại trường quay và trực tuyến. Mỗi diễn giả có những điểm đặc sắc riêng, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Diệu Thu đã dành hơn 15 năm tâm huyết tìm hiểu, nghiên cứu về loài chim yến. Cô nổi tiếng với các đề tài nghiên cứu chuyên sâu về nghề nuôi chim yến và là tác giả của các quyển sách nghề yến nổi tiếng, tiêu biểu "Chim yến & kỹ thuật nuôi lấy tổ". Trong buổi tọa đàm cô đã chia sẻ về nghề nuôi chim yến và hướng phát triển nghề yến bền vững.

Tiến sĩ Đinh Xuân Phát - Trưởng khoa Khoa học Sinh học - Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đã chia sẻ những thông tin hữu ích, chuyên môn trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu "Thực trạng & đề xuất giải pháp kỹ thuật để phát triển nuôi chim yến tại tỉnh Đồng Nai" từ đó mang đến những gợi ý, kinh nghiệm để triển khai tại các tỉnh thành nuôi chim yến Việt Nam.

Các báo cáo viên đại diện cho các vùng miền, từ Thừa Thiên Huế là vùng gặp nhiều khó khăn trong việc dẫn dụ nuôi chim yến do môi trường thời tiết khắc nghiệt đến Kiên Giang vùng đất phát triển trong việc dẫn dụ chim yến, có nhiều nhà yến và sản lượng tổ yến lớn nhất Việt Nam. Những vùng đất mới thuận lợi cho việc phát triển nghề dẫn dụ chim yến như Đắk Lắk và Tây Ninh. Phú Yên và Bình Thuận là hai điểm nóng của nạn săn bắt chim yến, ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi chim yến, theo các báo cáo viên từ hai vùng, Chi hội và Hội yến tại địa phương phối hợp cùng với chính quyền đã nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm bớt tình trạng bẫy bắt chim yến.

Hiệp hội rất mong muốn qua những kinh nghiệm, thông tin thực tế và những lời khuyên bổ ích từ các diễn giả và các báo cáo viên sẽ giúp cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thêm kiến thức để phát triển nghề yến của bản thân và để cùng nhau phát triển một ngành Yến Việt Nam vững mạnh.