Sáng 29-4(10-3 Âm lịch) Hiệp hội yến sào Việt Nam cùng với Hội yến sào Quảng Đà đã có mặt tại bến tàu cửa Đại để tập kết đi tàu sang Thôn Bãi Hương, đảo Cù Lao Chàm.
Tham dự lễ với hàng trăm người dân khắp nơi đổ về đây trong không khí trang nghiêm, bày tỏ lòng thành kính của mình đối với các bậc tiền bối đã có công trạng khai thác yến sào.Đây cũng là dịp lễ để ngư dân xứ đảo, người nuôi yến sào trên cả nước cầu mong một mùa vụ mới thịnh vượng.
Đến nơi đây du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên với các bãi tắm, rạn san hô, núi non hùng vĩ nên thơ đến lạ.
Miếu tổ nghề Yến có hướng đối diện với biển, phía trước có ba cổng ra vào với các câu đối Hán Nôm. Bện cạnh là cây Kén đã rất lâu năm, và đã đã được công là cây di sản Việt Nam.
Đi vào bên trong sân miếu lát gạch lục giác, chính giữa với bức bình phong hình cuốn thư, bên ngoài với hoa văn hình hổ, bên trong là cảnh đảo và đàn chim yến vàng bay lượn.
Bên trong miếu là hai ngôi nhà thông nhau lợp ngói âm dương kết hợp. Nếp thứ nhất hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu chồng rường giả thủ. Nếp thứ hai hệ vì kèo cấu tạo theo kiểu khung cụi chính giữa rồi bắt quyết qua 4 mái.
Khu vực bàn thờ tổ tiên của Miếu tổ nghề Yến được lấy cảm hứng từ nghề khai thác tổ yến, cũng như các vị thần gắn liền với sông biển. Khám thờ được trang trí với nhiều họa tiết liên quan với các câu đối, vật phẩm bằng chữ Hán sơn son thếp vàng.
Trên bức tường bên phải còn lưu lại tấm bia ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân và ca ngợi cảnh núi non hùng vĩ của đảo du lịch Cù Lao Chàm. Hiện nay trong miếu còn lưu giữ nhiều tấm bia ký và nhiều bức tranh có giá trị văn hóa cao.
Hiệp hội yến sào Việt Nam (VSFA) mong muốn hàng năm cùng với người dân đảo Cù Lao Chàm nơi đây tham dự và tổ chức lễ để giữ gìn, tôn tạo truyền thống văn hóa đặc sắc thiêng liêng này.
Nội Dung & Hình Ảnh: Văn Phòng HHYS Việt Nam (VSFA)