Tin tức

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến thông tin vào sáng 10/11, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức chấp thuận cho một doanh nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu tổ yến sạch sang Trung Quốc.

9 doanh nghiệp nộp hồ sơ, mới có 1 được duyệt

Cụ thể, theo Cục Thú y, đến ngày 8/11/2023, tổng cộng có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Trung Quốc tại Nghị định thư; trong đó, 9 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký xuất khẩu và nộp tới Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra trực tuyến 5 trong số 9 doanh nghiệp này.

Tiếp đó, ngày 3/11/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có Công hàm chính thức chấp thuận cho Công ty CP Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam được xuất khẩu hai loại sản phẩm mà công ty đăng ký là tổ yến sạch và yến hũ chưng sẵn vào Trung Quốc kể từ ngày 20/10/2023.

Ngày 7/11/2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện gửi Cục Thú y chuyển Công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho phép Công ty CP Dinh dưỡng AVANEST Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc từ ngày 20/10/2023 trở đi.

Đối với các doanh nghiệp khác, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục xét duyệt hồ sơ, đánh giá và sẽ thông báo sau khi kết quả đạt yêu cầu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là kết quả của quá trình chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT, Cục Thú y sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc (Nghị định thư) đã được ký giữa Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Bộ NN&PTNT Việt Nam vào ngày 9/11/2022.

Ngay sau khi Nghị định thư được ký kết, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tổ chức triển khai Nghị định thư; đồng thời tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt, hướng dẫn triển khai các nội dung Nghị định thư.

Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Bộ, Cục Thú y và các đơn vị liên quan đến các địa phương, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện.

Cục Thú y cũng tiến hành đàm phán, thống nhất nội dung và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu các sản phẩm yến sang Trung Quốc; thông báo mẫu dấu của cơ quan và mẫu chữ ký của các cán bộ.

Phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để được cấp tài khoản quản lý, xác thực doanh nghiệp của Việt Nam đăng ký xuất khẩu trên hệ thống Hải quan một cửa của Trung Quốc (hệ thống CIFER).

Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình (7 bước) đăng ký xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc gửi các doanh nghiệp và đơn vị liên quan; ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức giám sát dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Nghị định thư.

Cục cũng đã thành lập hàng chục Đoàn công tác đến trực tiếp các địa phương, các doanh nghiệp để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị định thư; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị hồ sơ, mở tài khoản đăng ký xuất khẩu trên Hệ thống CIFER; chuẩn hóa quy trình sản xuất theo đúng yêu cầu của Nghị định thư; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị để Tổng cục Hải quan Trung Quốc tổ chức đánh giá trực tuyến; thông báo kết quả, hướng dẫn khắc phục sau đánh giá trực tuyến.

Cơ sở nuôi yến tăng mạnh

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến. Số lượng nhà nuôi yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua.

Theo báo cáo của 18 tỉnh, nếu năm 2017, chỉ có hơn 8.300 nhà yến, đến tháng 8/2019 có hơn 11.750 nhà yến, đến năm 2021 đạt 22.363 nhà nuôi yến thì đến năm 2022, số nhà yến tăng lên con số 23.665.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất hiện nay là Kiên Giang (2.995 nhà yến), tiếp đến là Bình Định (1.722 nhà yến).

Các vùng kinh tế có 100% số tỉnh nuôi yến gồm: Vùng ĐBSCL (13 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh), Nam Trung Bộ (8 tỉnh) và Tây Nguyên (5 tỉnh) có 100%. Trong đó, nhiều nhất là ĐBSCL với 10.572 nhà yến, chiếm 44,67%; tiếp đến là Nam Trung bộ với 5.965 nhà yến, chiếm 25,21%.

Vùng Đông Nam Bộ có 4.958 nhà yến, chiếm 20,95%. Vùng Tây Nguyên có 1.969 nhà yến, chiếm 8,32%. Các tỉnh phía bắc với 201 nhà yến, chỉ chiếm 0,85% vì khí hậu mùa đông lạnh, không phù hợp cho yến sinh trưởng.

Bộ NN&PTNT đánh giá sản lượng sản phẩm từ yến hiện nay đạt khoảng 200 tấn/năm đem lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm. Con số này vượt qua nhiều ngành kinh tế tiềm năng, đặc hữu thị trường thế giới. Dù là ngành nghề mới nhưng nuôi yến là rất triển vọng và có thế mạnh xuất khẩu.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực trong công tác hoàn thiện pháp lý và kiểm soát chất lượng để có những lô yến đầu tiên được xuất khẩu mang lại giá trị cao.

Đến ngày 19/6/2023, đã có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến (trong tổng số gần 24.000 cơ sở nuôi chim yến trên toàn quốc) đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.

Để đẩy mạnh được xuất khẩu các sản phẩm yến, Bộ NN&PTNT đang đề xuất về cơ chế để các Bộ, ngành liên quan tập trung, ưu tiên các nguồn lực để chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến.

Viết bình luận của bạn: