Nhận thấy các quy định về nuôi yến có nhiều bất cập, nhưng các cơ quan chức năng còn lúng túng, chậm thay đổi.
Quy định không rõ, địa phương lúng túng
Ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk cho biết, Nghị Quyết 09/2021- NQ HĐND tỉnh Đắk Lắk có quy định về vùng cấm nuối ở khu vực tổ dân phố các phường, trung tâm các xã, huyện, cách khu dân cư dưới 300m, vậy được hiểu ngoài vùng cấm nuôi là vùng được cho phép nuôi.
Tuy nhiên, quy hoạch vùng nuôi chưa cụ thể, dẫn đến việc áp dụng Nghị quyết này đến các địa phương chưa được hiểu đúng. Hiện nay các địa phương chưa dám duyệt các giấy phép xây dựng nhà yến cho các hộ nuôi.
Do đó, đa số các nhà yến đều không có phép và người dân muốn đầu tư hiện tại cũng gặp khó khăn trong việc xin phép vì chính quyền không dám cấp phép xây nhà yến.
Theo ông Hậu, Nghị quyết của Đắk Lắk phù hợp với Nghị định 13/2020-NĐCP, song ngành yến vẫn chưa phát triển bền vững, vì người dân đầu tư còn chưa yên tâm, chưa được quy hoạch vùng nuôi, xây dựng không được cấp phép.
“Hội yến sào Đắk Lắk đề xuất chính quyền địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, để người dân yên tâm lựa chọn vùng nuôi phù hợp. Chính quyền địa phương mạnh dạng hơn trong việc cấp phép để ngành yến phát triển ổn định và bền vững hơn”, ông Hậu thông tin.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, nghề nuôi chim yến trên địa bàn huyện đang dần phát triển nhưng chủ yếu mang tính tự phát, nguồn đầu tư xây dựng nhà dẫn dụ chim yến lớn. Hiện nay nhiều nhà yến trong khu dân cư, người dân tận dụng nhà ở để dẫn dụ chim yến.
Theo ông Thắng vùng dẫn dụ chim yến chưa được quy hoạch nên gặp khó khăn trong việc quản lý. Các điều kiện, thủ tục, văn bản hướng dẫn về việc quản lý dẫn dụ chim yến còn bất cập, chưa cụ thể rõ ràng, còn chậm so với sự phát triển của hoạt động dẫn dụ chim yến nên dẫn đến công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; một số hộ dân lợi dụng nhanh chóng cơi nới tầng trên để dẫn dụ chim yến trái phép. Ngoài ra theo quy định kiểm tra mắc loa dẫn dụ chim yến, phải có máy đo đạc âm lượng của loa, để xác định âm lượng, hiện nay địa phương chưa trang bị máy móc để thực hiện quản lý.
Các địa phương đề xuất thay đổi
Ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, Nghị Quyết 09/2021-NQ HĐND quy định nhà nuôi yến cách nhà dân 300m. Tuy nhiên, ông Giao cho rằng quy định vậy nhưng khu vực cách nhà dân 300m đó có quy hoạch được vùng nuôi chim yến hay không.
“Chim yến là động vật hoang dã, những khu vực quy hoạch chưa chắc chim yến đã sinh sống và ngược lại. Những khu vực không quy hoạch người dân không thể xây dựng được nhà yến. Đây là đặc thù do đó các cấp cần có đề xuất Trung ương có quy định cụ thể. Khi đồng ý cho xây dựng thì có tiêu chuẩn rõ ràng. Hiện nay có tình trạng xây nhà ở, kết hợp với nuôi chim yến đang rất phổ biến. Đây tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh vì chim yến không thể nuôi nhốt như những đàn vật nuôi khác”, ông Giao chia sẻ.
Còn ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk cho rằng, ngành chăn nuôi yến mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên việc phát triển nhà yến tại địa phương hiện nay đang gặp nhiều khó khăn.
Đặc thù của chim yến là không thể làm theo ý cá nhân mà phải thuận theo tự nhiên. Hiện nay mới có hướng dẫn chung chung. Do đó UBND tỉnh cần có quy định hoặc đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể về việc xây dựng cũng như nuôi yến”, ông Lâm kiến nghị.
Tương tự, ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết, địa phương có nhiều điều kiện phát triển ngành nuôi chim yến lấy tổ, địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa và nhiệt độ ổn định trong năm, ít có bão và thiên tai nên đàn chim yến không chịu tác động.
Do đó, ông Thắng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, kiến nghị Hiệp hội Yến sào Việt Nam khảo sát, đánh giá hiệu quả, định hướng đối với việc có nên hay không việc phát triển nghề dẫn dụ chim yến trên địa bàn huyện.
Ông Thắng cũng đề nghị Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, tạo cơ chế đặc thù đối với hoạt động xây dựng, dẫn dụ chim yến trên địa bàn huyện Ea Súp. “Đề nghị hướng dẫn cụ thể về quy hoạch khu dẫn dụ nuôi chim yến; quy mô, kết cấu công trình nhà yến để người dân và cơ quan quản lý thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Xem xét bổ sung, sửa đổi Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi; vùng dẫn dụ chim yến; chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn theo hướng mở hơn đối với vùng nuôi và các điều kiện cụ thể, thực tế trên địa bàn huyện Ea Súp.
Địa bàn huyện Ea Súp có diện tích đất đai rộng, mật độ dân cư thưa, hiện chưa có cây trồng, vật nuôi nào phù hợp, nên hiện nay phát triển nhà dẫn dụ chim yến trên địa bàn nên xem xét đưa vào phát triển tạo sinh kế cho người dân và xây dựng thương hiệu, thành lập hiệp hội và sản phẩm OCOP từ tổ yến”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Trung ương vẫn chưa bàn hành được quy định, hướng dẫn cụ thể liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật nhà yến, quy trình nuôi, các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng nhà yến vì vậy cũng gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương.
"Qua thực tiễn phát triển nuôi yến tại tỉnh, các vấn đề còn bất cập liên quan đến thủ tục xây dựng nhà yến đã được Sở NN-PTNT tiếp thu. Sở cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh có ý kiến bằng văn bản, ý kiến tại nhiều cuộc họp với Trung ương để được hướng dẫn, tháo gỡ.
Tuy nhiên, theo ý kiến trả lời của các Bộ có liên quan sẽ phối hợp bổ sung các nội dung quy định đối với nhà yến trong thời gian tới. Do đó, trước khi có những quy định, quy chuẩn cụ thể, chi tiết hơn trong việc quản lý nhà nước về nuôi chim yến, đề nghị các địa phương cần tăng cường rà soát, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng nhà yến trái với quy định trên địa bàn quản lý", ông Dương nói.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, địa phương là một trong những tỉnh có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển nhà yến, sản phẩm yến chất lượng cao. Vì vậy Sở NN-PTNT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, sớm cho chủ trương xây dựng “Đề án phát triển ngành hàng Yến sào tỉnh Đắk Lắk” nhằm đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển của tỉnh.
Việc này sẽ giúp thực hiện các giải pháp phù hợp có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của địa phương, để sớm đưa ngành yến sào của tỉnh phát triển hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững đóng góp quan trọng cho ngành chăn nuôi, ngành nông nghiệp nói riêng và đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk hiện cơ chế, Nghị quyết không rõ ràng về xây dựng nhà yến. “Nếu làm đúng theo luật xây dựng thì lại vướng Nghị quyết. Còn quy hoạch, xây dựng khu vực khác thì sẽ vướng chuyện xây dựng trên đất nông nghiệp.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam