Ngày 22/5, Hiệp Hội Yến Sào Việt Nam tổ chức lễ ra mắt và khai trương Văn phòng đại diện (VPĐD) tại Xã Đạo Thạnh, Thành Phố Mỹ Tho, Tỉnh Tiền Giang. Chương trình có sự góp mặt của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban thường vụ (BTV) Hiệp hội cùng các lãnh đạo đại diện của sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh.
Về phía ban tổ chức, có sự hiện diện của Thạc Sỹ – Nhà báo Lê Thành Đại, Chủ tịch Hiệp hội Yến Sào Việt Nam; KS. Trần Quốc Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội; ThS. Hồng Đình Khoa và KS. Phạm Duy Khiêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội; cùng các Ủy viên BTV, Chủ tịch Chi hội; các chuyên gia trong lĩnh vực đầu ngành.
Đến tham dự buổi lễ ra mắt còn có ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang; ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh; ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh; ông Hồ Vũ Bảo - Phó Giám Đốc Sở Nội vụ tỉnh; cùng lãnh đạo đại diện Chi Cục Chăn Nuôi Và Thú Y, nông, lâm, thủy sản, phòng ban chuyên môn trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, với sự phát triển nhanh chóng về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm từ tổ yến tại tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, việc thành lập VPĐD của Hiệp hội tại địa phương là cần thiết, được Ban Chấp hành Hiệp hội đã ấp ủ nhiều năm qua.
Đến hôm nay, khi đạt đủ các điều kiện về tài lực, vật lực và nhân lực, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ ra mắt và Khai trương Văn phòng đại diện tạm thời tại Xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho (chờ quyết định phê duyệt vào cuối tháng 5/2024), địa điểm là cơ sở kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn – một chủ thể thành viên của Hiệp hội.
Trên cơ sở đó, Đại diện Hiệp hội Yến Sào Việt Nam, Chủ tịch Lê Thành Đại cũng gửi lời cảm ơn đến Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trí Sơn đã có nhiều đóng góp tích cực cho Hiệp hội , xứng đáng với tiềm năng và thế mạnh vốn có.
Theo ông Lê Thành Đại, việc khai trương VPĐD sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tại Tỉnh Tiền Giang nói riêng cũng như khu vực phía Nam nói chung. Đồng thời, chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi các sự kiện liên quan đến ngành yến dự kiến được tổ chức ở địa phương diễn ra một cách thuận lợi, hiệu quả.
Cũng tại chương trình lần này, Hiệp hội Yến sào Việt Nam cũng tuyên bố quyết định kết nạp hội viên mới và kết thúc trọn vẹn sự kiện khai trương Văn phòng với hoạt động giao lưu, tiệc thân mật.
Ở nước ta, nghề nuôi chim yến xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh thành phía Nam, nhanh chóng phát triển nhanh với nhiều loại hình, quy mô khác nhau suốt 10 năm qua. Nhờ lợi thế về thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, nhiều tỉnh, thành, địa phương đã phát triển nghề hiệu quả, cung ứng ra thị trường các sản phẩm từ yến có giá trị cao, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Ghi nhận, hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có phát triển nghề nuôi chim yến với hơn 22.000 nhà yến được xây dựng và đưa vào hoạt động. Sản lượng tổ yến Việt Nam khoảng 150 tấn, mang đến giá trị trên 600 triệu USD.
Đặc biệt, vào tháng 11/2023, Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết, mở đường cho những lô sản phẩm đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang thị trường đất nước tỷ dân. Điều này mang đến nhiều lợi thế, cơ hội phát triển và tiềm năng kinh tế cao cho các doanh nghiệp, ngành hàng yến trong nước.
Theo cơ quan Chính phủ, việc Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm tổ yến từ Việt Nam sẽ tạo cơ hội không nhỏ cho ngành chăn nuôi chim yến và sản xuất, chế biến tổ yến của Việt Nam không ngừng phát triển, vững mạnh, cả về số lượng và chất lượng.
Nguồn: TUẤN ANH - Ban truyền thông Hiệp hội yến sào Việt Nam