Các hoạt động tiêu biểu

Hôm qua, thứ Hai, 14/10/2019 tại tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến – Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chế biến từ tổ yến tại Bạc Liêu” với sự tham gia của nhiều Ban Ngành chức năng như Sở NN & PT NT Tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, các nhà khoa học, chủ cơ sở nuôi chim yến, các đơn vị chế biến, phân phối sản phẩm từ yến và đại diện của Hiệp hội yến sào Việt Nam.

 

 

Hiệp hội yến sào Việt Nam đã cử Ban đại diện gồm:
Bà Lý Hứa Thị Lan Phương, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội
Ông: Lê Minh Hậu, đại diện Ban Kinh tế
Ông: Nguyễn Anh, đại diện Ban Kỹ thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu, không kiểm soát được số lượng chim yến gây nuôi và sản lượng sản phẩm. Chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính.Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định, nhiều khi bị ép giá; nhiều sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao. Hiện nay nghề nuôi chim yến đang phát triển một cách tự phát, địa phương chưa có quy định cụ thể, do đó có thể dẫn tới rủi ro cho người dân và ảnh hưởng đến quy hoạch, phát triển đô thị. Chính vì vậy, cần định hướng phát triển ngành nghề nuôi chim yến, trên cơ sở quy định vùng nuôi chim yến.

Về mặt Pháp luật: Để phát triển nghề nuôi chim yến cần có những giải pháp đồng bộ về quản lý, sự phối hợp và thống nhất để có thể phát triển bền vững nghề nuôi chim yến chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định. Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện. Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi yến đúng, có các tiêu chuẩn nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học. Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà yến và tổ yến. Đồng thời, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính cụ thể đối với hành phát âm thanh dẫn dụ chim yến làm ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.

Trước các ý kiến của các đại biểu, thay mặt Hiệp hội yến sào Việt Nam, bà Lý Hứa Thị Lan Phương đã phát biểu ý kiến nhằm giải đáp các mối quan tâm của đại biểu cũng như những thắc mắc của người nuôi và kinh doanh yến.

Toàn văn phát biểu của bà Phương như sau:

“Hiệp hội Yến sào Việt Nam ra đời từ năm 2017, đến nay hoạt động được 02 năm, vào đúng giai đoạn ngành Yến Việt Nam phát triển rất nóng. Vai trò của Hiệp hội là cầu nối quan trọng giữa người nuôi yến với nhau, người nuôi yến với cơ quan quản lý nhà nước, giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người nuôi yến và giúp cơ quan nhà nước quản lý ngành yến thuận lợi và hiệu quả. Trong suốt thời gian vừa qua, Hiệp hội đã luôn nghiên cứu, khảo sát và đánh giá thực trạng ngành yến để xây dựng các chương trình hành động bám sát theo thực tiễn ngành Yến sào Việt Nam.
Nội dung hội thảo hôm nay xoay quanh những vấn đề rất nóng của ngành yến không chỉ ở Tỉnh Bạc Liêu mà ở tất cả các Tỉnh thành nuôi yến trong cả nước.
Một là, về chính sách quản lý nhà nước về việc nuôi yến: xoay quanh vấn đề phá bỏ, di dời nhà yến trong khu dân cư. Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã có văn bản kiến nghị với Vụ pháp chế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho luật chăn nuôi. Vẫn cho phép tồn tại những nhà yến đã hình thành trước khi có Qui định của nhà nước nhưng vẫn quản lý kiểm soát sao cho dung hoà giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội , vì 70% – 80% nhà yến của cả nước đang nằm trong khu dân cư, nếu phá bỏ, di dời sẽ gây thiệt hại rất lớn ước tính khoảng 1400 – 1800 tỷ/1 năm. Việc nhà yến tồn tại trong Khu dân cư trở ngại lớn nhất là ô nhiễm môi trường bằng tiếng ồn, tiếng dẫn dụ chim yến. Để giải quyết vấn nạn này, Ban Kỹ thuật của Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã nghiên cứu phương án lắp đặt và vận hành âm thanh sao cho vẫn đảm bảo được hiệu quả dẫn dụ chim yến và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Và theo kế hoạch thì xuyên suốt năm 2020, Hiệp hội sẽ tổ chức Hội thảo ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành có nhiều nhà yến trong khu dân cư trong đó có Tỉnh Bạc Liêu để chia sẻ nội dung này.

Hai là, về vấn đề sản lượng, chất lượng Yến sào Việt Nam: Trên thực tế, có nhiều công ty nước ngoài liên hệ với Hiệp hội để mua Yến sào với số lượng rất lớn, những đơn hàng từ trên 100 tấn Tổ yến, nhưng Hiệp hội đã phải tạm thời từ chối vì hiện tại thực trạng Yến sào Vệt Nam còn hạn chế về cả sản lượng và chất lượng. Hiểu được thực trạng đó, Hiệp hội cũng có kế hoạch và đã triển khai, đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo ở các Tỉnh thành trong cả nước xuyên suốt năm 2019 nhằm chia sẻ kỹ thuật xây dựng và vận hành, quản lý nhà yến hiệu quả để từng bước giúp nâng chất lượng và sản lượng Yến sào Việt Nam.

Ba là, về vấn đề giá cả tổ yến: Giá của sản phẩm do cung và cầu thị trường qui định. Tuy khoảng cách nguồn cung sản phẩm Yến sào so với nhu cầu thị trường còn rất lớn, ngay cả với nhu cầu thị trường trong nước nhưng giá của Yến sào Việt Nam vẫn bấp bênh. Theo đánh giá thì việc giá Yến sào không ổn định là do thị trường Yến sào đang bị chi phối rất lớn bởi thị trường Trung Quốc, nói nôm na chỉ cần Thị trường Trung Quốc “hắt hơi” thì thị trường Yến sào thế giới bị chao đảo, và trong những thời điểm như vậy thì Tổ yến nhập lậu từ các nước khác lại tràn về Việt Nam làm giá Tổ Yến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, rủi ro về mặt thương mại rất lớn. Nếu không có giải pháp thì giá yến sẽ không thể bình ổn được.”

HHYSVN