Lời ru chim yến, Lệ Thu: “Chênh vênh vách đá ngàn khơi - Mẹ xây tổ giữa một trời sóng chao”
Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
“Chênh vênh vách đá ngàn khơi - Mẹ xây tổ giữa một trời sóng chao” (Lời ru chim yến, Lệ Thu). Lên tàu ra Cù Lao Chàm dự lễ Giỗ tổ nghề yến, tôi nhớ hai câu thơ đó.
Mỗi khi ngang qua nhà yến ở quê, ở phố, nghe tiếng kêu đến inh tai, với tiếng yến thì ít mà nhạc dụ yến thì nhiều, tôi bật cười. Rằng nếu có thể kéo trăng sao xuống để kinh doanh, người ta cũng làm.
Cúi đầu trước biển
Ở Ban Quản lý và khai thác yến sào Cù Lao Chàm, năm nào giỗ tổ nghề yến cũng là lễ trang nghiêm. Mùng 9/3 giỗ ở làng Thanh Châu (Cẩm Thanh), thì mùng 10/3 giỗ ở Bãi Hương. Tàu đi, ghé lại Hòn Khô, Hòn Dài chuyển đồ cúng. Mùa tháng tư mà sóng dữ, lúc về cũng thế.
Họ cúng 2 diên. Khách thưa vắng. Có 4 doanh nghiệp kinh doanh nghề này từ đất liền ra, chừng mấy chục người. Nói như anh Cao Văn Năm - Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến sào Cù Lao Chàm, là không hiểu sao năm này vắng như thế. Mọi năm, lễ này có lúc 700 - 800 người dự.
Tôi thì nghĩ, khách dự ít cũng như khách du lịch thưa vắng dần. Hai ngày ở đảo, thấy hiu hắt đến lạ. Mấy bà bán nước mía, dừa trái la làng, thảy chẳng nằm ngoài bức tranh kinh tế đang rất khó khăn.
Lễ, đương nhiên trang nghiêm.
Nóng kinh hồn, thêm khói hương, hơi người trong không gian chật chội của miếu thờ, chủ lẫn khách mướt mồ hôi. Chẳng ngờ mấy anh ở ban này, khi tôi lên tàu đi nhờ họ, cười nói rổn rảng trăm thứ chuyện, giờ khăn đóng áo dài bệ vệ nhang đèn xướng tấu kèn trống không khác chi mấy ông già ở làng cúng tộc.
Chẳng thấy con yến nào ở đảo. Anh Năm nói không nhìn thấy đâu, rạng sáng nó rời hang bay đi kiếm ăn, tới 9-10 giờ đêm mới bay về. Lai vô ảnh khứ vô hình, nhưng vô đất liền thì thấy, thậm chí nó bị bắt do giăng lưới tùm lum trên đồng ruộng. Công nghệ khiến nó sa bẫy.
Nuôi yến tư nhân, rộ lên từ năm 2013, khiến số lượng đàn yến ở đảo tụt giảm nghiêm trọng khi nghe từ sáng đến tối tiếng bạn gọi tha thiết. Bạn là… máy, loa trong các nhà yến giả tiếng yến kêu, bật lên.
Nhưng, đàn yến cả nước thì tăng. Nếu năm 2012 ban khai thác được 1,4 tấn/năm, thì 2023 chỉ được hơn 100kg. Năm nay chắc cũng chừng đó hoặc ít hơn. Giảm thê thảm sản lượng, khiến thu nhập của anh em giảm theo.
Để tăng đàn yến, ban này phải áp dụng công nghệ ấp trứng. “Việc này không ngoài mục đích ta cứu nó, thả nó về môi trường tự nhiên, sống được con nào thì đó là niềm vui của chúng tôi, nó đi về đâu cũng được” - anh Năm nói.
“Tại sao các anh không dùng loa dụ để bớt nạn nó bay vô đất liền ở luôn?”. “Không được, bay đi kiếm ăn là quy luật, giữ nó lại đây có chi ăn đâu, sẽ khiến nó suy kiệt”. Lời anh như lặng trong tiếng gió sợt qua giữa nắng cháy.
Họ giỗ tổ, không gì hơn ngoài việc tri ân tiền nhân, mà cũng là cầu mong biển lặng sóng yên cho anh em bình an vô sự, yến sinh sôi nảy nở nhiều để đời sống khá hơn. Biển như rừng, không biết cúi đầu, thì đừng mơ niềm vui đến.
Bỏ ngỏ quản lý
Có lần tôi tới nhà người quen ở Nhà Bè, anh nuôi yến và giàu lên. Anh kể, yến huyết giả nhiều lắm, giới bán buôn gian lận lấy yến nhà hoặc mua từ Indonesia về, đưa tới Chợ Lớn. Ở đó có các “bàn tay vàng” nhúng qua hóa chất, yến trắng thành yến huyết, thế là đưa ra thị trường. Ai xui, tiền mất tật mang.
Thị trường bây giờ loạn cào cào yến sào cao cấp. Yến tự nhiên, giá hiện nay chừng 260 triệu đồng/kg, yến hồng (huyết) tăng thêm chừng 15% giá thành nữa.
Anh Đỗ Xuân Hùng, Giám đốc Công ty yến sào Cung đình ở Gò Vấp, 15 năm rồi, không bỏ sót một buổi cúng tổ nghề nào ở Cù Lao Chàm. Lặn lội ra dự lễ và anh trầm tư khi nói về thị trường yến. Sản lượng yến giảm, nhà nước cần tạo điều kiện cho người kinh doanh nghề này phát triển, mà cái chính là minh bạch thông tin.
“Bà con làm tự phát, cho ra sản phẩm nào cũng ghi là cao cấp, nhưng thành phần sản phẩm là chi, bao nhiêu axit amin… không ghi chi hết. Khách hàng không rành, cứ thấy ghi cao cấp là mua, nên dễ gây nhầm lẫn. Rồi nhiều công ty làm ăn chụp giật, đánh vào tâm lý người tiêu dùng “ngon, bổ, rẻ”, mà ở đời có cái gì ngon bổ mà rẻ đâu” - anh Đỗ Xuân Hùng nói.
Tôi nghe anh tâm sự, nghĩ cái nghề này, kẻ buôn trên bờ, người khai thác trùng khơi, nếu làm ăn chân chính, nào có dễ dàng thò tay bóc tổ lấy tiền nhét túi.
Nuôi yến tràn lan, không quy hoạch tập trung, như lời anh Năm nói, nếu xảy ra dịch bệnh thì tính làm sao. Quản lý việc nuôi yến đang bị thả lỏng. Mỗi năm có cả nước thu hoạch được chừng 150 tấn yến, chưa nói là lượng yến nhập cũng không hề nhỏ. Rồi người nuôi chưa chắc đã khai báo thật sản lượng vì nhiều lý do, đủ thấy nhu cầu và lợi nhuận từ đây là con số khủng.
Nhưng ngoài những đơn vị, doanh nghiệp nhà nước khai thác, như ở Cù Lao Chàm phải đóng thuế tài nguyên 20%, còn tư nhân thì bỏ ngỏ.
Mà tôi lấy làm lạ, ở Khánh Hòa 20 năm trước chính quyền đã lập doanh nghiệp khai thác, quản lý yến sào, tại sao ở Hội An còn duy trì ban bệ này làm chi? Sao không cho họ lập doanh nghiệp để đa dạng hóa sản phẩm khai thác ở đây? Câu trả lời cho tôi từ nhiều người, là không thể. Còn vì sao không thể? Thật khó nói.
Chịu ơn loài yến
“Nhọc nhằn từng bước hang sâu/ Người đi bóc yến mái đầu chạm mây/ Người bên ta, hóa bạn bầy/ Thương nhau nên báu vật này ta trao”. Người xưa, từ thế kỷ 13 đã đi khai thác yến ở Cù Lao Chàm, nối nhau, trao truyền báu vật thiên nhiên đến tận bây giờ.
Nghĩ tới hệ thống giàn giáo bằng tre chênh vênh vách đá, tôi hỏi hà cớ sao không làm bằng sắt, nhôm. Một cái lắc đầu của anh Năm, là chỉ có tre mới để sử dụng khi chèn, đẩy đưa vào hốc đá, tới đâu là chặt đưa tới đó, chứ sắt thép sao linh động được. Mà tre phải lựa thứ không mắt kiến, đề phòng gãy đổ là toi mạng.
Tất nhiên sinh nghề tử nghiệp có tránh được đâu, tốt nhất nên kỹ lưỡng và cầu cho bình yên. Mùa biển động, nếu không tiếp tế được các hang yến, thì anh em trực ở đó rời về về đất liền, còn bình thường là 24/24h. Tiền của nhà nước, trách nhiệm nặng nề, họ nào dám lơ là…
Trong nhóm người thành kính dâng hương ở miếu tổ, có một du khách người Pháp. Anh bạn đồng nghiệp ngoắt tôi: “Em nghe rồi, ông ni làm doanh nghiệp, nghe ổng khấn y như ở mình là cầu xin thần linh phù hộ cho công ty làm ăn may mắn, phát đạt, bình an”.
Một phỏng vấn chớp nhoáng được bạn nhà đài thực hiện. Du khách này tên là Staphane Charlie.
Ông nói: “Thật may mắn khi tôi được tham gia lễ hội truyền thống như thế này, thắp nén hương tôi cảm nhận được sợi dây kết nối với người xưa với thế hệ hôm nay trên hòn đảo xinh đẹp này.
Mặc dù chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa của nghi lễ truyền thống của các bạn nhưng tôi nghĩ rằng đây là hoạt động ý nghĩa để ghi nhớ công lao to lớn của cha ông, tiếp tục giữ gìn và phát triển vốn quý của nơi này”.
Không biết điều ông cảm nhận và thành kính đó, có chạm tới thần linh không, nhưng rõ là Âu hay Á, văn hóa biết ơn là điều không khác.
Như ông du khách trên, từ nước Pháp xa xôi, đến Bãi Hương nói lời gan ruột, như nỗi lòng của những người có mặt trong lễ cúng, chịu ơn từ con vật bé nhỏ dâng hiến không toan tính.
Tôi nhớ tổ yến như bông hoa trắng cắm trên vách, nở ra từ đá, sinh thành từ huyết máu và im lặng, như kẻ viết văn vặn máu “huyết lệ thành văn” mới thành tinh hoa. Mà tinh hoa ở đời đâu có nhiều và phận thường bạc bẽo…
Nguồn: Báo Quảng Nam